Nếu bạn đang muốn tìm chất liệu toát lên vẻ sang trọng, quý phái, đẳng cấp tột bậc thì chắc chắn vải ren sẽ không làm bạn phải thất vọng. Các bạn sẽ thấy loại vải này chuyên sử dụng để tạo nên những bộ trang phục quyến rũ nhưng đầy tinh tế, thanh lịch, nhất là trong thời trang váy cưới. Mọi cô dâu trên thế giới đều ước ao khoác lên chiếc váy ren nhẹ nhàng, xinh đẹp trong ngày trọng đại nhất đời mình. Vậy bạn đã biết gì về vải ren hay chưa? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Alibu để biết thêm những điều thú vị xung quanh chất liệu vải này nhé.
Xem thêm: Top 15 Các Loại Vải Phổ Biến Trong May Mặc Trên Thị Trường
Định nghĩa về vải ren
Vải ren hay còn gọi là vải Lace là mẫu vải đặc biệt, cấu tạo từ nhiều sợi liên kết với nhau bằng phương pháp lặp, bện hoặc xoắn và tạo ra nhiều lỗ hổng, khoảng trống trên bề mặt vải. Bên cạnh đó, vẫn còn cách khác để tạo ra ren đó là đục lỗ trên nền vải dệt có sẵn. Theo kinh nghiệm nhiều năm sản xuất vải, những người thợ lành nghề đã chia sẻ rằng: số lượng sợi và mũi đan càng nhiều thì ren càng vững bền.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận biết chất liệu ren bởi vẻ ngoài của vải có nhiều lỗ hổng, hoàn toàn không giống với cấu trúc đặc của các loại vải khác. Theo thời gian, ren không chỉ đơn thuần màu trắng thêu họa tiết trang trí mà còn có nhiều màu sắc khác nhau phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.
Nguồn gốc của vải ren
Chưa có một ghi chép nào đề cập chính xác đến nguồn gốc của vải ren. Thế nhưng, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy cuốn sách đầu tiên miêu tả vải ren cùng họa tiết in trên chất liệu này với tên gọi “Le Pompe” ở Venice của Ý. Vì vậy, Ý được xem như kho tàng kiến thức về ren.
Ngay từ khi xuất hiện, ren đã trở thành biểu tượng của giới quý tộc. Những tên tuổi nổi tiếng là tín đồ của chất vải “thần thánh” này bao gồm: Nữ hoàng Elizabeth đệ nhất, Nữ hoàng Victoria, Hoàng hậu Catherine de Medici, Hoàng hậu Marie Antoinette…
Trong khoảng thời gian thế kỷ 16 – 18, ren đã được phổ biến rộng rãi, áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng vẫn đại diện cho sự sang trọng, quý phái thời bấy giờ.
Sau thế kỷ 19, vải ren đã chạm đến những người ở tầng lớp thấp hơn. Hiện nay, loại vải này đã được sản xuất hàng loạt và sử dụng phổ biến trong mỗi gia đình như: khăn trải bàn, rèm, thảm,… Tuy nhiên, vẫn còn những mẫu ren đắt tiền, cao cấp tồn tại như một minh chứng về vẻ sang chảnh bậc nhất của ren.
Phân loại vải ren
Có ba loại vải ren thông dụng nhất trên thị trường là ren kim, ren cuộn và ren thêu. Cụ thể như sau:
Ren kim (Needle lace)
Loại ren này được biết đến nhiều với cái tên khác là ren Phục Hưng bởi vì chúng chỉ được dệt bằng mũi kim duy nhất và chỉ đơn. Ngoài ra, ren kim còn có tên gọi khác là Brussels do được bày bán rất nhiều tại thành phố Brussels của Bỉ. Đặc điểm của ren lim là khá thô và cứng.
Ren cuộn (Bobbin lace)
Ren cuộn hay ren cuộn Bruges theo tên một thành phố xinh đẹp của Bỉ được dệt từ nhiều sợi chỉ và công đoạn sản xuất đơn giản hơn ren kim rất nhiều.
Ren thêu
Nhà sản xuất sẽ tạo ra một không gian hoặc lỗ với nhiều hình dáng khác trên bề mặt vải. Chất liệu ren thêu được ứng dụng rất nhiều trong thời trang, đặc biệt là may đo áo cưới và phụ kiện trang trí.
Ưu nhược điểm của vải ren
Ưu điểm
- Người sử dụng sẽ cảm thấy dễ chịu, thoải mái khi mặc nhờ kết cấu mỏng, nhẹ, trong suốt của ren.
- Độ bền cao.
- Mang lại vẻ sang trọng, tinh tế, quý phái cho người mặc.
- Rất nhiều mẫu mã, màu sắc và họa tiết hoa văn cho các bạn thoải mái chọn lựa theo sở thích của mình.
- Khi kết hợp với các chất liệu vải khác càng trở nên bắt mắt hơn.
Nhược điểm
- Vì quá mỏng nên khi mặc, người dùng cần phải sử dụng thêm một lớp lót bên trong tránh phản cảm.
- Cực kỳ dễ rách.
- Nếu giặt máy, vải sẽ nhanh bị hư hỏng hơn.
Phương pháp bảo quản vải ren
- Nên giặt tay do vải rất dễ bị rách.
- Ngâm nước trước khi giặt để vải mềm hơn.
- Không dùng hóa chất tẩy rửa mạnh để làm sạch vết bẩn trên ren, mà nên pha nước ấm với chanh và muối để giặt.
- Không nên phơi sản phẩm từ ren trực tiếp dưới ánh nắng gay gắt sẽ làm vải nhanh giòn, hỏng và biến dạng.
- Phải treo đồ ren khi không sử dụng đến bởi nếu đặt một chỗ sẽ bị nấm mốc và mùi hôi khó chịu.
Chắc hẳn, sau khi đọc xong bài viết của Alibu, các bạn đã hiểu thêm phần nào những đặc điểm nổi bật của vải ren sang trọng, thời thượng và tinh tế rồi. Mong rằng kiến thức trên sẽ giúp bạn tìm được loại ren cũng như sản phẩm làm từ chất liệu vải này phù hợp với mình.