Việt nam có tới 54 dân tộc anh em, trong đó mỗi dân tộc lại có trang phục truyền thống khác biệt. Tại các vùng miền núi, vải thổ cẩm được sử dụng phổ biến nhất để làm trang phục cho người dân tại nơi đây. Hiện nay, loại vải này cũng dần trở nên thông dụng ở khu vực đồng bằng và được ứng dụng rất nhiều vào thời trang may mặc. Vậy vải thổ cẩm là gì? Trong bài viết dưới đây, Xưởng May Đồng Phục Alibu sẽ cung cấp những thông tin cơ bản của chất liệu độc đáo này nhé.
Vải thổ cẩm là gì?
Đây là loại vải được dệt thủ công mang theo nét đặc trưng của mỗi dân tộc. Các họa tiết vô cùng bắt mắt, màu sắc phong phú, đa dạng. Loại vải này thường được những dân tộc ở vùng núi phía Bắc và các vùng núi Tây Nguyên, Ninh Thuận của nước ta sử dụng nhiều để may trang phục.
Với sự độc đáo của mình, vải thổ cẩm đã được đón nhận ứng dụng vào thời trang tại các tỉnh thành phố đồng bằng. Bên cạnh dùng vào may quần áo, chất liệu thổ cẩm còn được dùng để làm các loại túi xách, ví cầm tay, khăn, giày, hài…
Có thể nói, đây là mẫu vải thuần Việt mà khó có thể tìm thấy ở các loại vải phổ biến ở nơi khác trên thế giới. Chính vì vậy, rất nhiều du khách đến Việt Nam đã chọn sản phẩm từ vải thổ cẩm khi tới tham quan vùng cao ở nước ta. Ngoài Việt Nam, loại vải này cũng xuất hiện ở các nước láng giềng với chúng ta như Thái Lan, Lào, Campuchia.
Nguồn gốc của vải thổ cẩm
Chưa có bất kỳ nghiên cứu cụ thể nào cho biết vải thổ cẩm xuất hiện khi nào. Thế nhưng, chúng đã trở thành nét truyền thống văn hóa riêng của những dân tộc thiểu số ở nước ta.
Đặc biệt tại các vùng núi cao nguyên, điểm đặc trưng của loại vải này vẫn được giữ nguyên. Các cô gái sẽ may những chiếc váy tinh tế, ấn tượng cho chính mình và gia đình vào những ngày hội lớn, cưới xin hoặc xuống chợ.
Đặc điểm nổi bật của vải thổ cẩm
Vải thổ cẩm rất an toàn cho sức khỏe con người. Bởi lẽ nguyên liệu chính sử dụng để làm mẫu vải này là từ bông vải tự nhiên, trong quá trình dệt không dùng thêm bất kỳ hóa chất nào. Mọi công đoạn để tạo nên tấm thổ cẩm đều được làm thủ công 100%. Vậy nên, vải không chỉ đẹp mà còn rất an toàn với người dùng.
Ngoài ra, màu sắc sặc sỡ trên vải thổ cẩm làm nhiều người thắc mắc không biết người dệt có sử dụng màu nhuộm công nghiệp hay không. Câu trả lời là không. Màu nhuộm của chiết xuất từ những chất liệu thiên nhiên bằng nhiều phương pháp khác nhau. Ví dụ như:
- Màu đen: Ngâm lá chùm bầu hoặc lá chàm với bùn non trong khoảng 3 – 7 ngày đêm.
- Màu nâu hoặc màu đỏ thẫm chiết xuất từ các loại vỏ cây.
- Màu xanh: vỏ ốc suối được nung khô rồi ngâm thành vôi, trộn với lá krum hoặc lá chàm.
- Màu nâu đỏ: ngâm vỏ cây sủi và đun sôi 2 – 3 giờ, để nguội qua đêm. Sau đó pha thêm phèn và ngâm sợi vải muốn nhuộm.
- Màu vàng: củ nghệ giã nhỏ, chắt lấy nước rồi ngâm sợi vải.
Để gỡ sạch các vụn màu và vỏ cây, người thợ nhuộm sẽ dùng bàn chải để chải dọc theo cuộn sợi. Sợi vải sau khi nhuộm có màu rất tươi tắn và đẹp mắt.
Một số hoa văn vải thổ cẩm dễ nhận biết đáng mua nhất
Hoa văn trên vải thổ cẩm được dệt bởi các đồng bào khác nhau sẽ có sự khác biệt nhất định. Tùy theo độ phức tạp của hoa văn mà giá bán của vải thổ cẩm sẽ có sự chênh lệch đáng kể.
Dưới đây là các mẫu hoa văn đẹp mắt và có giá bán cao nhất.
- Chăm, H’re: họa tiết trên vải có dạng hình học nối tiếp nhau, thường là hai màu đen và đỏ.
- H’Mông: hoa văn ở chất liệu thổ cẩm là đường viền bao xung quanh các ô chữ thập, chữ đinh, chữ công cực đa dạng, cùng với những ô hình quả trám hoặc tam giác, đường viền hình gãy khúc.
- Dao: khăn tay và cổ áo, ngực áo của trang phục người Dao có màu sắc rực rỡ như màu đỏ tươi. Bên cạnh đó, họ thường thêu để lộ nền màu đen hoặc chàm tạo nên nét cuốn hút nhưng không quá chói cho vải.
- Tày: họa tiết trang trí trên vải thổ cẩm của người Tày là những hình quả trám, có viền xung quanh, thường là đơn màu chứ không rực rỡ.
- Thái: thổ cẩm của người Thái vô cùng đặc biệt, gây ấn tượng mạnh với người nhìn với sắc: trắng, đỏ, xanh, tím, vàng,… đối xứng nhau.
Phương pháp bảo quản vải thổ cẩm
- Giặt tay nhẹ nhàng, không được vò quá mạnh tay rất dễ dẫn đến bay màu vải. Tuyệt đối không được sử dụng thuốc tẩy khi vệ sinh vải thổ cẩm.
- Phơi sản phẩm làm từ chất liệu thổ cẩm ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào.
- Bảo quản vải ở nơi khô ráo, hạn chế ủi là. Nếu ủi là phải chọn mức nhiệt thấp và lộn trái vải khi ủi.
Trên đây là những thông tin cơ bản về vải thổ cẩm mang đậm hương sắc núi rừng mà các bạn nên biết. Hy vọng, thông qua bài viết các bạn sẽ tìm được sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mình.
Đọc thêm: Vải Chiffon – Chất vải trang nhã bậc nhất thế giới